Cách đo huyết áp

(08-08-2014, 8:44 am)

1. Khi nào cần đo huyết áp

Huyết áp của bất kỳ ai đều có thể thay đổi ở các thời điểm trong ngày và giữa các ngày, do vậy để chẩn đoán và theo dõi điều trị Tăng huyết áp, phải đo HA nhiều lần và vào các thời điểm khác nhau. Thậm chí HA thay đổi giữa 2 lần đo liền nhau, do vậy thường phải đo 2-3 lần rồi lấy số trung bình. Nói chung, tất cả người lớn nên đo HA ít nhất 5 năm 1 lần. Với người có HA bình thường cao (từ 130 đến 139 với huyết áp tâm thu hoặc 85-89 với HA tâm trương) hoặc những người đã có lần nào đó đo thấy HA cao thì nên đo lại hàng năm. Nếu các bệnh nhân có HA tăng cao đáng kể, có biểu hiện tổn thương cơ quan đích do THA hoặc có bằng chứng nguy cơ tim mạch cao hoặc rất cao, nên đo HA lại sau thời gian ngắn ví dụ sau vài ngày hoặc vài tuần song song với việc điều trị.

Đo HA có thể được thực hiện bởi bác sỹ hoặc y tá tại phòng khám, tại bệnh viện, hoặc bệnh nhân tự đo tại nhà. 

2. Các loại máy đo HA thường dùng

Huyết áp kế thuỷ ngân

HA kế thuỷ ngân thường chính xác hơn các phương tiện đo khác. Nhưng để có kết quả chính xác cần phải được tập huấn tốt, cẩn thận về phương pháp đo và cần tập đo nhiều lần cho quen cách dùng băng đo, ống nghe vv….

Huyết áp kiểu đồng hồ

Khi bơm hơi, áp suất băng quấn tức là huyết áp, được thể hiện qua hệ thống kim chỉ đồng hồ theo từng mức. So với HA kế thuỷ ngân, loại thiết bị này kém ổn định theo thời gian. Vì vậy, cần phải chỉnh lại định kỳ (6 tháng).

Huyết áp kế điện tử

Cột thuỷ ngân hoặc đồng hồ huyết áp được thay thế bằng thang đo điện tử và HA được biểu thị bằng số tâm thu và tâm trương. Tần số tim (mạch đập cũng được biểu thị), rất tiện lợi cho bệnh nhân tự theo dõi huyết áp và tần số tim ở mọi nơi, mọi lúc. Có nhiều loại HA kế điện tử: loại có băng quấn ở cánh tay, loại quấn ở cổ tay, loại đo ở đầu ngón tay... Nhưng Tổ chức y tế thể giới chỉ khuyến cáo dùng loại máy đo HA điện tử có băng quấn ở cánh tay.

Huyết áp kế điện tử ngoại trú (lưu động)

Máy đo huyết áp điện tử, có băng cuốn ở cánh tay được bơm tự động theo chương trình lập sẵn nối với máy đo và ghi vào thẻ nhớ số huyết áp của bệnh nhân trong nhiều giờ (thường ghi 15 phút/lần trong suốt 24 giờ), sau đó thẻ nhớ của máy đo được đưa vào máy tính để lấy số liệu, vẽ biểu đồ diễn biến huyết áp và tần số mạch trong suốt 24 giờ với 70 - 80 lần đo.

3. Phương pháp đo huyết áp



Tư thế người bệnh

Huyết áp thường được đo ở hai tư thế là ngồi và nằm ngửa. Để đảm bảo độ chính xác, vị trí cánh tay được điều chỉnh sao cho băng quấn ở ngang mức của tim. Do vậy, đơn giản hơn cả là đo huyết áp ở tư thế nằm, dễ đặt tay để quấn băng đo huyết áp ở ngang mức của tim. Nên để bệnh nhân nghỉ 5 phút trong một phòng yên tĩnh trước trước khi bắt đầu đo HA.

Sự khác biệt HA giữa hai tay

Huyết áp nên được đo cả hai tay trong lần khám đầu tiên. Điều này có thể giúp phát hiện bệnh lí hẹp của ĐM chủ và ĐM chi trên. HA giữa hai tay thường khác nhau ít nhiều (khoảng 5 -7 mmHg), HA ở tay cao hơn sẽ được sử dụng. Đối với người già và bệnh nhân đái tháo đường, nên đo thêm HA sau khi đứng dậy ít nhất hai phút để phát hiện hạ HA tư thế đứng. Mỗi lần khám nên đo ít nhất hai lần, cách nhau 1-2 phút và lấy số trung bình của 2 lần đo. Nếu bệnh nhân bị loạn nhịp tim (rung nhĩ ...) nên đo nhiều lần và dùng phương pháp đo bằng ống nghe.

 4. Các phương thức đo HA 

+ Đo HA tại phòng khám (huyết áp lâm sàng): là phương pháp kinh điển nhất, bệnh nhân phải được đo huyết áp mỗi lần khám bệnh.

+ Theo dõi HA  tại nhà (tự đo HA)

Nên dùng máy đo đã chuẩn hoá và đo đúng quy trình. Không dùng loại đo ở cổ tay vì không chính xác. Tiện lợi của việc theo dõi HA tại nhà là ghi được các số đo HA trong nhiều ngày, giảm được yếu tố tâm lý khi đến khám ở cơ sở y tế ((huyết áp và nhịp tim tăng lên so với bình thường - hiệu ứng THA áo choàng trắng). Điều quan trọng của đo HA tại nhà là giúp bệnh nhân biết con số HA của mình khi điều trị. Con số HA đo tại nhà thường thấp hơn tại phòng khám. Khuyến khích sử dụng các máy tự động vì HA kế thủy ngân sẽ làm cho bệnh nhân khó khăn trong sử dụng và có thể sai sót với động tác nghe, đặc biệt ở người già.

 +  Theo dõi HA lưu động (24 giờ):

Huyết áp lưu động cung cấp thông tin nhiều hơn HA đo tại nhà hoặc phòng khám; ví dụ, HA 24 giờ gồm cả HA trung bình ban ngày (thường từ 7-22 giờ) và giá trị ban đêm và mức dao động HA. Phương pháp này đặc biệt dùng để đánh giá hiệu quả hạ HA qua điều trị, do không có hiện tượng áo choàng trắng và các yếu tố nhiễu.

5. Chỉ định các phương thức đo HA



* Huyết áp đo được tại phòng khám hoặc tại trung tâm y tế nên được sử dụng như là thông số tham khảo.

* Theo dõi HA 24 giờ có thể được xem như bổ trợ lâm sàng khi:

- Con số HA đo tại  phòng khám khác nhau đáng kể khi đo nhiều lần hoặc đo nhiều thời điểm.

- Con số HA đo tại phòng khám lại cao ở những đối tượng có nguy cơ tim mạch thấp.

- Có sự khác nhau mâu thuẫn giữa HA đo tại phòng khám và đo tại nhà.

- Không đáp ứng điều trị.

- Áp dụng trong các nghiên cứu.

* Tự đo HA tại nhà được khuyến khích áp dụng nhằm:

- Cung cấp nhiều thông tin giúp theo dõi và điều chỉnh quá trình điều trị.

- Cải thiện sự gắn kết bệnh nhân vào chế độ điều trị.

* Tự đo HA tại nhà không được khuyến khích nếu:

- Gây cho bệnh nhân lo lắng.

- Bệnh nhân tự thay đổi chế độ điều trị theo suy luận chủ quan của mình.

  

ThS. Phạm Thái Sơn

 

Sản phẩm đã xem